Hà Nội: “Mạnh tay” tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN phát triển

( Thứ sáu 29/03/2013 | Lượt xem: 4207 )

SanBeTongNhe.vn - Sáng 22/3, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị biểu dương doanh nghiệp (DN) và triển khai các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn TP.

“Bơm vốn” hỗ trợ DN

Báo cáo tại hội nghị, UBND TP Hà Nội cho biết để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy SXKD, trong năm 2013 sẽ triển khai một số nhóm giải pháp cơ bản. Một là hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho. Theo đó, sẽ dành 50 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho các DN đăng ký tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chương trình xúc tiến thương mại dành cho sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực; sản phẩm làng nghề; sản phẩm công nghiệp sáng tạo; chương trình đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa năm 2013; hỗ trợ DN xây dựng, phát triển thương hiệu.

Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Theo đó, sẽ thực hiện giải ngân 328 tỷ đồng cho các DN dự trữ 10 nhóm hàng hóa thiết yếu, với mục tiêu bình ổn giá, không để sốt giá, tổ chức 710 điểm bán hàng cố định và 1.500 điểm bán hàng là các đại lý. Tổ chức đưa 231 chuyến hàng về nông thôn, khu công nghiệp; tổ chức 45 chuyến hàng bán hàng lưu động thực phẩm tươi sống dịp tết.

Mặt khác, TP cũng sẽ hỗ trợ 16 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công cho các DN nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề trên địa bàn TP.

Hơn nữa, TP cũng tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tình hình triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2013 từ nguồn ngân sách cho 671 dự án với kinh phí 23.879 tỷ đồng; kịp thời tháo gỡ các thủ tục đầu tư, đấu thầu và trong khâu nghiệm thu, thanh toán vốn, đảm bảo giải ngân trên 98% số vốn đầu tư so với kế hoạch giao. Ngoài ra là triển khai gói hỗ trợ từ ngân sách 508 tỷ đồng hỗ trợ vật tư, kỹ thuật đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn của TP.

Vấn đề quan trọng thứ hai là TP thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, ưu tiên vốn tín dụng cho xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, DN sử dụng nhiều lao động… Ngân hàng Sacombank đang triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, trong đó dành 450 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi (tối thiểu 12%/năm trong 3 tháng đầu) với thời hạn vay tối đa 6 tháng đối với khách hàng DN. Ngân hàng TMCP Quân đội triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp nhất từ 9,99%/năm. Ngân hàng Quốc tế triển khai gói 3.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi bất động sản và cá nhân kinh doanh với mức lãi suất từ 11,79%/năm không đổi trong 12 tháng đầu cho vay….

Đặc biệt, Hà Nội triển khai gói hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của TP từ nguồn ngân sách 100 tỷ đồng để giảm khó khăn cho DN mở rộng SXKD theo chính sách của TP đã ban hành. Triển khai thực hiện quỹ bảo lãnh tín dụng của TP cho các DN nhỏ và vừa với kinh phí 80 tỷ đồng.

Vấn đề thứ 3 liên quan đến chính sách tài khóa, dự kiến năm 2013 TP giãn, giảm khoản thu NSNN. Dự kiến nguồn thu thuế thu nhập DN quý 1, quý 2 – 2013 được gia hạn mỗi quỹ khoảng 200 tỷ đồng; quý 3 được giãn nộp đến tháng 1-2014 (chuyển sang nguồn năm 2014) khoảng 200 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng số tiền thuế, lệ phí được gia hạn thời gian chậm nộp và giảm năm 2013 khoảng 14.434 tỷ đồng.

Vấn đề nóng thứ 4 liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản trên địa bàn TP. TP sẽ tạo điều kiện chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội, tái định cư, nhà ở cho CBCNVC; giải quyết việc tồn kho các căn hộ.

Lĩnh vực cuối cùng được TP đề cập đến là cải thiện môi trường đầu tư, SXKD và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của TP. UBND TP thành lập một Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD cho DN do Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban.

Việc hỗ trợ cho DN cần trúng và đúng

Đóng góp ý kiến vào chính sách hỗ trợ của TP, ông Đỗ Quang Hiển - Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết: TP chưa có nhiều giải pháp kích cầu đầu ra, giải quyết hàng tồn kho. Hiện chưa có sự gắn kết giữa các nhà sản xuất trong nước, thiếu chương trình xúc tiến thương mại trong nước. Các DN mong 3 tháng 1 lần, TP họp với các hiệp hội, DN thảo luận các chuyên đề cụ thể để đưa ra các chính sách tháo gỡ khó khăn thiết thực.

Bên cạnh đó, ý kiến từ ông Trần Anh Phương – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Hà Nội kiến nghị TP không nhất thiếu thu hút các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, dành nguồn lực thu hút các dự án nhỏ, công nghiệp phụ trợ. Hiện vấn đề tồn kho cao không sợ bằng tồn kho thấp, DN đã bán hết hàng nhưng không thu hồi được vốn. Theo đó, nếu TP còn nợ vốn các công trình xây dựng cơ bản, cần thanh toán cho DN. Việc hỗ trợ cho các DN cần trúng và đúng, theo ngành hàng; Không cần thiết hỗ trợ DN đầu tư mới vì không chắc chắn bằng hỗ trợ cho DN cũ đang hoạt động.

Mặt khác, đứng trên góc độ của DN có hoạt động kinh doanh xuất khẩu và thương mại nội địa, ông Trần Thanh Sơn – Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội bày tỏ: Lãi suất ngân hàng của nước ta giảm nhưng vẫn cao hơn các nước trong khu vực; kiến nghị TP và Ngân hàng NN điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ so với đồng Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu. TP tiếp tục hỗ trợ xây dựng xúc tiến thương mại cho DN xuất khẩu.

TP triển khai hỗ trợ ngay, hạn chế độ trễ của chính sách

Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến đóng góp của các DN và sự giải đáp từ Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư…; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá đây là hội nghị quan trọng, nhìn lại các hoạt động trong năm 2012, biểu dương thành tích của các DN trong SXKD mà còn triển khai các cơ chế chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển trong năm 2013.

Năm 2013, tình hình hinh tế trong nước và thế giới dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, chính sách tài khóa trong nước vẫn thắt chặt, hàng tồn kho nhiều, thị trường BĐS vẫn chưa được khơi thông, nợ xấu còn nhiều; nhiều DN chưa có khả năng phục hồi, thậm chí phá sản, đóng cửa… Kết quả SXKD quý 1 – 2013, trên địa bàn Hà Nội cho thấy tuy tăng trưởng nhưng chưa chắc chắn. TP lần này dành 50 tỷ đồng hỗ trợ DN xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài. Chủ tịch để nghị Sở Công thương phân khai ngay nguồn vốn này, hạn chế độ trễ của chính sách. Rút kinh nghiệm, TP đã “dứt ruột” hỗ trợ DN 100 tỷ đồng lãi xuất nhưng vừa qua tổ chức thực hiện chậm. TP cũng tiếp tục hỗ trợ bình ổn giá, nhưng Chủ tịch yêu cầu các DN phải thực sự nâng cao trách nhiệm của mình. TP chủ trương kích cầu tiêu dùng và kích cầu lưu thông. Tuy nhiên, hiện để tháo gỡ cho thị trường BĐS phải giải quyết tốt vấn đề giữa kích cầu đầu tư công và hạn chế đầu tư công. Để tháo gỡ tồn kho xi măng, sắt thép, TP sẽ đầu tư vào bê tông hóa hạ tầng giao thông nông thôn; Đa dạng các hình thức đầu tư BOT, PPP.

Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng lưu ý DN chủ động trong hoạt động kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho. Vấn đề vốn và lãi suất hiện nay, quan trọng nhất là để DN tiếp cận được vốn. TP sẽ tiếp tục hỗ trợ gói 100 tỷ đồng lãi suất.

Mặt khác, Chủ tịch cũng bày tỏ trăn trở việc trong thời gian qua Hà Nội luôn bị tụt xếp hạng năng lực cạnh tranh (PCI), tức là DN đang “chê” chính sách điều hành của TP. TP sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với các DN để biết nhận diện những điểm yếu kém từ chính quyền, tìm giải pháp, nâng chỉ số PCI chính là giúp DN tháo gỡ khó khăn. Chủ tịch cũng cho biết, TP sẽ mời Hiệp hội DN tham gia Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN, giải quyết hết các vấn đề trên “thông, dưới tắc”, không để chính sách có độ trễ. Thành lập tổ công tác và đường dây nóng tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngay trong tháng 4 này, Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN của TP sẽ có phiên họp đầu tiên.

Theo Hanoimoi/ Báo xây dựng điện tử

Nguồn: